Dân chơi Zippo và những chiếc bật lửa ‘hàng khủng’(Zing) – Chơi từ những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, anh Huy đã có hàng nghìn chiếc Zippo xếp theo nhiều bộ khác nhau, trong đó có cả một chiếc Zippo sơn nứt nguyên vẹn đời 1942 khiến không ít tay sưu tầm trên thế giới thèm khát.
Được giới sưu tầm Zippo Việt Nam gọi vui là “Đệ nhất thiên vương” vì nắm giữ bộ hơn 3.000 chiếc bật lửa hàng hiếm, tình yêu của Huy Zisebeer bắt đầu với Zippo từ năm 1988. Khoảng thời gian hơn 20 năm “chơi Zip” đã giúp anh trở thành một trong những người được những người mới sưu tầm tìm đến để tham vấn về cách chơi cũng như về các kiến thức chuyên môn.
Sưu tầm Zippo – thú chơi bác học“Sự thực là ở Việt Nam có rất nhiều người chơi Zippo đủ tầm để so sánh với những tay chơi trên thế giới. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều sẵn sàng lộ diện để chia sẻ thú vui với cộng đồng”, anh Huy nói. “Ở một người chơi bật lửa Zippo cần hội tụ đủ 5 yếu tố then chốt. Đầu tiên, đó là anh ta phải có đam mê. Điều này thì người chơi ở lĩnh vực nào cũng cần. Thứ hai là kiến thức. Cho đến tận bây giờ, ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều người chỉ sưu tầm cho vui, thấy cái gì thích là mua, là săn, chứ không chơi một cách có hệ thống, nên có thể họ có nhiều Zippo mà không biết trong tay mình đang có cái gì hoặc chỉ sở hữu những chiếc bật lửa riêng lẻ mà lẽ ra phải theo bộ”.
Dân chơi Zippo và những chiếc bật lửa ‘hàng khủng’
Anh Huy Zisebeer và chiếc bật lửa ra đời trong chiến tranh thế giới thứ 2. Ảnh: Nguyễn Hà.
“Tiếp theo nữa, thời gian cũng là cái mà những người sưu tầm cần. Phải dành nhiều thời gian mới có được món mình yêu thích. Tôi sẵn sàng đợi cả 7,8 tháng trời, dù rất ‘vật vã’, để có được chiếc Zippo đặt mua ở Mỹ, được chuyển qua Canada rồi nhờ người thân mang về. Yếu tố cần thiết thứ tư là tiền bạc. Tuy mỗi chiếc Zippo chỉ có giá từ vài chục tới vài trăm USD, nhưng nếu không dư dả thì cũng khó theo đuổi. Không phải ai cũng sẵn sàng bỏ cả tháng lương ra chỉ để mua một chiếc bật lửa về ngắm”.
“Cuối cùng, nhưng cũng quan trọng nhất, là ‘cái duyên’. Có những chiếc bật lửa quý giá đến với mình theo cách rất ngẫu nhiên. Chẳng hạn có buổi ngồi uống cà phê sáng, thằng bé đánh giày thấy mình có Zippo thì chìa ra một cái nói ‘cháu cũng vừa lượm được một cái giống của chú’, ai ngờ đó là chiếc bật lửa trong bộ sưu tầm mà mình vẫn còn thiếu. Với thằng bé đó, chiếc bật lửa chẳng có gì đặc biệt, nhưng đối với người như mình, sở hữu mảnh ghép cuối cùng của bộ bật lửa đó chỉ với một, hai trăm ngàn đem lại cảm giác sung sướng đặc biệt”.
Đam mê Zippo của anh Huy thì người chơi ở Sài Gòn chẳng ai không biết, câu chuyện anh bán xe máy Cánh én (SuperCub 50) từ những năm đầu thập kỷ 1990 để đổi lấy một chiếc Zippo hay sang Thái Lan chơi mà mê mẩn bật lửa đến nỗi mua hết tiền và phải gọi điện cho bạn bè ở Việt Nam mượn tiền bay về được kể lại rất nhiều lần trên các diễn đàn. “Có những lúc thấy bạn bè có những chiếc Zippo quý, gạ mua mãi không được, tôi đi theo năn nỉ để mượn về chơi vài ngày, sau họ thấy mình bị hút hồn quá nên tặng luôn”, anh Huy vui vẻ kể. “Cũng có lúc người đó không cho, tôi phải tìm hiểu xem họ có thích chơi cái gì khác không, sau đó lặn lội đi tìm cho bằng được thứ quý giá ấy, mang về tặng họ để họ tặng lại mình bật lửa”.
Tách biệt hoàn toàn với thú “múa lửa” với Zippo mà Zing đã giới thiệu kỳ trước, sưu tầm Zippo thuộc một nhánh chơi khác trong cộng đồng những người đam mê bật lửa xuất xứ từ Mỹ. Nếu hầu hết những tay tricker đều ở độ tuổi trên dưới 20 với khả năng “múa” rất dẻo và sẵn sàng học các chiêu thức mới, thì những người sưu tầm lại đều đã cứng tuổi và đã tìm hiểu về Zippo từ rất lâu.
Dân chơi Zippo và những chiếc bật lửa ‘hàng khủng’
Thẻ phân biệt "năm sinh" Zippo - vật bất ly thân của các tay chơi.
“Tôi biết đến những cái Zippo đầu tiên năm 7 tuổi, nghĩa là vào khoảng năm 1968, khi đó bố tôi hay mang về nhà những chiếc bật lửa của lính Mỹ. Đến năm 20 tuổi thì tôi bắt đầu lập nghiệp với một chiếc tủ bày bán bật lửa ngoài vỉa hè”, một người được coi là “đàn anh” trong giới chia sẻ trong buổi gặp gỡ các tay chơi Zippo Việt Nam tại TPHCM. “Sự phát triển của Zippo ở Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm lắm. Trước 1975, Zippo được lính Mỹ mang vào Việt Nam và thịnh đến mức sau này giới sưu tầm trên thế giới lập ra riêng một dòng gọi là Zippo chiến sự Việt Nam và rất nhiều cuốn sách ra đời để phân tích riêng về dòng này. Tuy nhiên, sau khi đất nước thống nhất, Zippo chứng kiến sự trầm lặng bởi nền kinh tế khi ấy không cho phép người ta mua cho mình một chiếc bật lửa đáng giá cả chiếc xe. Dù có đại lý chính thức ở Việt Nam từ những năm mở cửa, nhưng Zippo chỉ sống lay lắt mãi cho đến cách đây vài năm mới thực sự cháy trở lại”.
‘Giá trị của chiếc bật lửa nằm ở sự công nhận của cộng đồng’…Với những người sưu tầm Zippo ở Việt Nam, người ta chẳng bao giờ mong được thấy họ đổ xăng vào chiếc Zippo yêu thích để bật lên lửa, chứ đừng nói là quay tít trong tay như dân trick.
“Một trong những giá trị của chiếc Zippo để sưu tầm nằm ở chỗ, nó phải mint (nguyên vẹn)”, Cường Bachu, một trong những nhân vật lão làng của diễn đàn Capheda, khẳng định. “Những chiếc bật lửa mua về bao giờ cũng sẽ được để nguyên trong hộp. Nếu bị sử dụng có nghĩa nó đã không còn ‘mint’ nữa rồi”.
Vừa nói, người đàn ông tóc hoa râm gần đến tuổi 50 này vừa lôi trong túi ra một chiếc khăn nhung để lau dấu vân tay trên chiếc bật lửa được in logo của hãng bia Budweiser vừa được anh giới thiệu với bạn bè.
Hầu hết những chiếc bật lửa sưu tập đều được các tay chơi giữ rất kỹ trong hộp đựng chuyên dụng, có mút bên dưới để không làm trầy xước vỏ và nhựa trong bên trên để người xem ngắm nghía. Chủ nhân cũng rất ít khi mở ra đóng vào nắp của bật lửa vì sợ làm xước phần ruột.
Dân chơi Zippo và những chiếc bật lửa ‘hàng khủng’
Anh Cường Bachu và bộ bật lửa Normandy.
“Chiếc bật lửa kỷ niệm 60 năm chiến dịch Normandy này cũng là một trong những món được dân chơi đánh giá cao. Từ khi mua được, tôi chưa bao giờ lôi ra khỏi hộp. Bản thân chiếc bật lửa được sản xuất hạn chế năm 2004 này không thực sự đặc biệt, mà điều đặc biệt nằm ở ống cát đi kèm được lấy từ bờ biển Normandy (Pháp), nơi khởi đầu chiến dịch, và tờ giấy có dấu chứng nhận của thị trưởng thành phố. Thiếu đi bất cứ thứ nào trong bộ này, giá trị của nó không còn nguyên vẹn như trước nữa. Từ khi mua về, tôi chưa bóc tem tờ giấy đó ra để xem bên trong viết gì”, anh Cường tiếp.
Hầu hết những người sưu tầm Zippo đều khẳng định từ ngày chơi, họ phải tìm hiểu về lịch sử nhiều hơn và cũng nắm được nhiều câu chuyện lịch sử hơn. “Giá trị của mỗi chiếc Zippo đều đi kèm với lai lịch của nó, hay nói đúng hơn là câu chuyện đi kèm với nó”, anh Viện, một người chơi lặn lội từ Bình Phước để bắt chuyến xe 5 giờ sáng về Sài Gòn chiêm ngưỡng “phòng trưng bày Zippo” tại 142 Đinh Tiên Hoàng (địa điểm tụ tập của những người có cùng thú chơi ở TPHCM). “Từ ngày chơi, tôi buộc phải tìm hiểu nhiều để có thể chia sẻ với bạn bè. Chơi Zippo thực sự đòi hỏi rất nhiều về mặt kiến thức”.
“Ví dụ như với chiếc bật lửa Click này”, Hiệp Rebel, quản trị diễn đàn Capheda, hào hứng. “Bản thân chiếc bật lửa khá độc đáo khi được đóng mộc đáy ở cả 2 đầu. Nghĩa là quay đầu nào người ta cũng tưởng đó là phần đáy. Nhưng ngoài ra, ý nghĩa của chiếc bật lửa nằm ở chỗ, nó chỉ được sản xuất hạn chế cho thành viên của diễn đàn Zippoclick (diễn đàn người chơi Zippo trên thế giới duy nhất được Zippo hậu thuẫn) nhưng vừa qua, diễn đàn này tuyên bố đóng cửa, chính vì thế, chiếc bật lửa này được giới săn lùng tìm cách sở hữu”.
Dân chơi Zippo và những chiếc bật lửa ‘hàng khủng’
Bật lửa Click.
Mỗi năm Zippo đều tung ra một hoặc một bộ sản phẩm biểu tượng với số lượng hạn chế, tính bằng vài nghìn. Số lượng như thế rõ ràng không thể đáp ứng được lượng người chơi quá lớn trên toàn thế giới. Do đó, giá của chúng (dù ban đầu chỉ là 46 USD), nhưng ra đến thị trường trao tay giữa những người sưu tầm, có thể lên đến vài trăm USD. Thêm vào đó, dành cho giới sưu tầm, Zippo cũng tung ra các bộ sản phẩm có chủ đề riêng: rừng, chiến tranh hiện đại, ô tô, Harley Davidson, 007… Điều đáng nói nằm ở chỗ, trong cả bố đó, số lượng của phần lớn đều như nhau, nhưng luôn có một chiếc bị làm… hụt đi vài nghìn và trở thành hàng độc.
…‘giá trị của những chiếc bật lửa mạo danh’Người viết sử dụng cụm từ “mạo danh” vì không muốn bàn đến chuyện bật lửa thật hay giả, vì đó là chủ đề quá rộng lớn mà không phải tay chơi Zippo sành sỏi nào cũng dễ dàng nhận ra. Ngay cả ở Nhật, khi mua được một chiếc Zippo được đánh giá là quý giá, chủ nhân của nó có thể cũng vẫn phải nhờ đến các nhà chuyên môn dùng phương pháp sử dụng carbon để xác định đúng tuổi của chiếc bật lửa và thời gian người ta chạm khắc hình hoa văn lên đó. Với dân chơi ở Việt Nam, ‘fake’ thường được hiểu là những chiếc Zippo nguyên bản do chính hãng sản xuất nhưng sau đó người sử dụng tự in, khắc, chạm… hoa văn lên đó.
“Những chiếc bật lửa như thế thì dù đẹp thế nào cũng không được công nhận, do đó giá trị của chúng không cao”, anh Cường tiếp. “Chúng có thể đều đẹp, hoa văn tinh xảo, nhưng khó thể nói là chúng quý đối với dân sưu tầm vì rõ ràng là Zippo chưa bao giờ sản xuất ra dòng sản phẩm nào như thế”.
Theo anh Cường, mỗi chiếc Zippo do chính hãng sản xuất bao giờ cũng có lưu lại trong catalogue và đăng ký bản quyền. Zippo là sản phẩm được bảo hành miễn phí suốt đời. Bất kỳ khi ai có một chiếc Zippo nguyên bản bị hỏng đều có thể gửi về cho chính hãng để sửa chữa.
Dân chơi Zippo và những chiếc bật lửa ‘hàng khủng’
Bộ 4 chiếc Zippo chủ đề Rừng. Mỗi chiếc có hoa văn riêng, khi sưu tầm được đủ bộ, người ta có thể ghép chúng lại với nhau để tạo thành mặt một con báo đốm.
Ngay cả dòng Zippo được phát hành ở Nhật Bản, dù được Zippo cho phép thiết kế lại các họa tiết, nhưng cũng rất ít người thực sự dám chơi bởi suy nghĩ những dòng bật lửa được Nhật tung ra hầu hết đều chỉ đắt vì nguyên liệu bằng vàng hoặc bạc, chứ không phải vì tính chất quý hiếm của nó.
“Một trong những dòng Zippo được nhiều người sưu tầm nhất trên thế giới lại là những chiếc bật lửa được lính Mỹ sử dụng ở Việt Nam, trên mỗi chiếc thường có các hình khắc tay do chính chủ nhân tự vẽ lên. Nhưng người chơi Việt Nam thì lại không mấy ai sở hữu những vật phẩm này. Lý do chủ yếu là bởi ở thời kỳ mở cửa, dân sưu tầm thế giới đến Sài Gòn nhiều và tìm mua Zippo, người dân khi đó thấy một chiếc bật lửa mà chẳng bao giờ mình dùng đến lại có giá, nên đổ xô đem đi bán, làm thất thoát hết dòng bật lửa này”, một người chơi đến từ cộng đồng ZippoVietnam.net phân tích. “Thêm vào đó, sau này, không ít người có những chiếc Zippo cũ nhưng cũng chạm khắc và nói là hình đó do lính Mỹ tự làm để kiếm lời. Hậu quả là chẳng ai dám chơi”.
Một số hình ảnh Zippo độc:
Chiếc Zippo có in biểu trưng của hãng bia Budweiser. Khi sưu tầm, anh Cường Bachu cũng cất công tìm thêm các sản phẩm liên quan đến hãng bia này (điện thoại, lót cốc) để xếp chung bên cạnh bật lửa.
Bên tay phải là một chiếc Zippo "giả cổ" với buồng đốt 14 lỗ, Zippo hiện tại có 16 lỗ.
Bộ Zippo mang chủ đề Việt Nam.
Chiếc Zippo này được trang trí ở Nhật với những chiếc đáy của các dòng Zippo khác nhau.
Một góc tủ kính tại "phòng trưng bày" 142 Đinh Tiên Hoàng, TPHCM.
Tâm Anh